Công Trí

Bài phỏng vấn cho Chuyên mục Đẹp + … Tạp chí Đẹp số tháng 12

Nhà thiết kế Công Trí

Tôi đánh đổi toàn bộ thời gian cho sự thành công

Anh ta thích nói chuyện bằng hình ảnh, tưởng như rất lơ đãng với từng câu hỏi nhưng thực ra câu trả lời mạnh mẽ hơn cả cách trả lời trực diện.

Anh ta không từ chối bất kể một câu hỏi nhạy cảm nào, thậm chí trả lời rất điềm đạm và ngắn gọn.

Cuộc phỏng vấn, giống như anh ta tiếp một khách hàng. Khi đứng lên phóng viên cảm thấy rất hài lòng về những gì mình ghi được. Nhưng khi hoàn thiện bài báo này, lại muốn điện thoại ngay để hẹn phỏng vấn tiếp…


Hôm nay tiên phong, ngày mai có thể là kẻ lạc hậu

  • Ở tuổi 33, anh cảm thấy thế nào khi đã sớm được công nhận là một trong những Nhà thiết kế thời trang hàng đầu Việt Nam?

Tôi vẫn cảm thấy mình cần phải học và làm nhiều, vì tôi còn rất nhiều năng lượng. Nói vậy không có nghĩa là tôi khiêm tốn, chỉ đơn giản rằng thời trang, nghệ thuật luôn biến đổi cấp tiến không ngừng. Hôm nay mình có thể là người tiên phong, nhưng ngày mai cũng có thể là kẻ lạc hậu.

  • Thị trường thời trang của chúng ta quá nhỏ bé. Vậy làm vua xứ mù có sung sướng gì không?

Vua thì có cái sướng và cũng có cái khổ chứ, điều này không nói thì ai cũng biết rồi. Rất may mắn, là tôi chưa được làm Vua xứ mù nên cũng không mất thời gian để chia sẻ niềm sung sướng này.

  • Xem ra anh làm kinh doanh giỏi hay làm thời trang giỏi?

Tôi thích được làm kinh doanh giỏi , nhưng rất tiếc là chưa được ưng ý cho lắm.

  • Nếu làm kinh doanh thời trang, chắc hẳn thời trang sẽ dựa vào yếu tố cung – cầu nhiều hơn là ý thức về sự sáng tạo?

Sáng tạo là là niềm đam mê của những ai thực sự yêu thích nghệ thuật và người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế. Sự đam mê sáng tạo sẽ được nuôi dưỡng theo ngày tháng và phát triển tốt khi ta có tinh thần. Tinh thần của con người thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố theo từng bản thể. Đó là bài học đầu tiên mà tôi được học. Ý nghĩa sau bài học thì các bạn tự suy nghĩ. Còn về yếu tố cung và cầu, nói rõ hơn về thời trang, nếu thị trường cần những mẫu mã đẹp và sáng tạo (Cầu) mà chúng ta không đáp ứng được (Cung) thì chúng ta sẽ mất thị phần. Cho nên có ý nói kinh doanh thời trang là dựa vào yếu tố cung – cầu nhiều hơn là ý thức về sự sáng tạo thì cũng chưa hẳn là đúng.

  • Vậy từ kinh nghiệm của bản thân anh, anh thấy thế nào nếu một người làm thời trang mải miết chạy theo yếu tố sáng tạo, cá tính, cá nhân… mà quên đi nhu cầu của thị trường?

Thì sẽ đối ngược với những ý tôi đã nói ở câu trên.

  • Nhưng nếu chạy theo thị trường, nhà thiết kế giỏi cần quan tâm đến yếu tố gì để giữ được bản lĩnh?

Hiểu rõ về nhu cầu và vị trí địa lý của bản thân.

  • Nhiều lần anh nói, chúng ta chưa có thị trường cho thời trang. Vậy cái môi trường mà anh đang làm việc, đang kinh doanh nên gọi là gì?

Chúng ta chưa có thị trường lớn thì đúng hơn. Còn tôi thì đang phục vụ cho 1 nhóm đối tượng có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp chứ không phải ăn no mặc ấm.

  • Yếu tố cạnh tranh của thị trường nhỏ bé của thời trang Việt nam đang ở mức độ nào: Vừa phải hay Khắc nghiệt?

Hiện tại thì tôi thấy vừa phải.

  • Anh đã từng bị cạnh tranh không lành mạnh bao giờ chưa?

Có thể chưa đủ lớn để tôi để ý và nhớ nữa.

Tôi được phát hiện bởi cô Minh Hạnh

  • Người ta cứ nói rằng, các nhà thiết kế Việt nam dù chẳng nhiều nhưng không ai nể phục ai, chả ai nhìn mặt ai? Công bằng mà nói đi, anh có để ý đến một cái tên Nhà thiết kế Việt Nam nào không?

Thì toàn người ta nói chứ người trong cuộc chúng tôi có bao giờ nói gì đâu. Tôi được phát hiện bởi cô Minh Hạnh. Nhà thiết kế Việt Nam tôi thích là Minh Hạnh.

  • Nhưng hình như, mối quan hệ giữa Minh Hạnh và Công Trí là không êm đẹp?

Tôi không nghĩ đó là vấn đề khi chính tôi không thể mặc chiếc áo quá rộng so với mình.

  • Phải chăng là do lý tưởng, mục đích sáng tạo thời trang của hai người là khác nhau? Hay tiếng nói của hai người trong giới thời trang đang lấn át lẫn nhau?

Hình như thì lâu rồi tôi không nghĩ về điều này. Và tôi là thế hệ đi sau nên cũng không được phép nghĩ vậy.

  • Anh có phục sự sáng tạo của Minh Hạnh chứ?

Tôi vẫn thích những màu sắc trong những mẫu thiết kế của cô Minh Hạnh. Tôi được có cảm xúc khi nhìn chúng.

  • Một người sáng tạo dựa trên yếu tố Việt Nam để đưa ra thế giới, còn một người nắm bắt xu hướng thế giới để đem vào trong nước. Tự anh nhìn nhận, hai con đường này về lâu dài ra sao?

Ngày xưa tôi say mê đi trên con đường số hai. Bây giờ tôi đang học hỏi, phát triển để vững tin quyết định chọn thêm con đường số một.

  • Nhưng, con đường số một đưa Minh Hạnh trở thành một cái tên mà thế giới biết đến. Còn cái tên Công Trí, sẽ phải làm gì trên con đường thứ hai nếu muốn “lấp lánh” cái tên này hơn nữa?

Vì tôi là người Việt Nam nên rành phép tính 1+2=3. Sẽ có con đường thứ ba.

  • Anh cũng từng chọn thổ cẩm làm chất liệu, áo dài làm phương tiện… sáng tạo thời trang cho BST mình?

Tôi yêu màu sắc và vẻ đẹp sần sùi môc mạc của thổ cẩm. Tôi yêu sự duyên dáng và mạnh mẽ một cách tế nhị của chiếc áo dài. Chỉ đơn giản là vậy. Và có lúc và đến lúc, tôi có được tâm trạng để nhìn ra được những vẻ đẹp mang tính bản sắc văn hóa theo cách của mình.

  • Vậy, anh đau đáu suy nghĩ đến con đường của Minh Hạnh?

Thì tôi nói tôi luôn suy nghĩ về điều này rồi mà.

Muốn tồn tại thì phải chấp nhận và tìm cách cân bằng

  • Trần Thu Hà nhận xét, sáng tạo của anh vẫn an toàn quá. Vậy anh đưa ra mức độ kiểm soát sự sáng tạo của mình như thế nào?

Tôi thích khi cộng tác với Hà Trần, vì sự an toàn trong cách nổi loạn của cô ấy. Có thể chúng tôi có cùng thái độ kiểm soát sự sáng tạo như vậy. Đôi khi đi ra đường cứ bắt gặp khẩu hiệu dán khắp nơi, in cả trên thân sau của xe tải “An toàn là bạn, tai nạn là thù ”. Tôi được huấn luyện là như thế đó.

  • Việc kinh doanh với lượng khách hàng phong phú, chiều lòng khách hàng có làm anh mất thời gian và phân tán sự sáng tạo của cá nhân mình không?

Có. Tôi đang làm việc và lao động nên tôi thấy bình thường. Muốn tồn tại trong công việc nghệ thuật thì phải chấp nhận và tìm cách cân bằng cho chính mình. Tôi có công ty và nhân viên, nên mọi áp lực có thể sắp xếp và phân chia việc ổn thỏa. Đi du lịch và tìm đến thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa các nước khác là những đáp án bán rất chạy trên thị trường. Đôi khi tôi phải tốn tiền cho nó chứ.

  • Tôi vẫn tin rằng, có nhiều khách hàng sẽ đến với anh với một nhu cầu cụ thể, họ  muốn một bộ trang phục giống y hệt bộ đồ hiệu nào đó. Anh xử trí sao?

Tôi không thể nhận. Và ai bảo tôi không có quyền giới thiệu qua chỗ khác?

  • Gần đây dư luận cũng dậy sóng với nhiều thiết kế sao chép của làng mốt Việt Nam. Anh thấy đó, truyền thông phát triển và văn hóa ngoại xâm lấn sâu rộng. Là một nhà thiết kế mà tôi hiểu, anh luôn muốn nắm bắt xu hướng quốc tế. Anh nghĩ gì về ranh giới tôi cho rằng là rất mong manh giữa sự học hỏi, nắm bắt xu hướng với việc sao chép và bắt chước?

Cái gì mong manh thì dễ vỡ thôi. Đôi khi lòng tự trọng là vỏ bảo vệ an toàn mà chúng ta nên sử dụng.

  • Để đi lên, nhất là với người đi sau trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy thôi, sự học hỏi là điều tất yếu. Anh đã đi qua giai đoạn này chưa?

Tôi đã từng đi qua những giai đoạn như vậy. Có cái tôi học được, có những cái tôi chưa đủ điều kiện để học và thử nghiệm. Đặc biệt trong lĩnh vực thời trang rất phong phú, từ chất liệu đến kỹ thuật, máy móc…

  • Sáng tạo là một công việc độc lập, nhưng sáng tạo lại luôn phải đối diện với một Sức mạnh đám đông, phải nói là rất mạnh mẽ. Anh nghĩ gì về Quyền lực phán xét của Đám đông. Anh có cách nào để bảo vệ sự sáng tạo của riêng mình?

Nếu gọi là  sức mạnh, “Quyền lực Đám đông” thì cho tôi miễn bàn luận. Còn khán thính giả, đọc giả, người tiêu dùng, khách hàng sành điệu thì tôi cũng xin chia sẻ một vài điều nhỏ. Những gì tôi làm, tôi thể nghiệm sự sáng tạo để mong mỏi tìm những người đồng điệu và chia sẻ, trao đổi cảm xúc trong cuộc sống sau khi dẹp qua một bên những gì gọi là mưu sinh.

  • Chúng ta mới mở cửa và phát triển nóng vội vài năm gần đây, nhất là trong giải trí và tiêu dùng. Đám đông có quyền lực nhưng dẫu sao vẫn mang một tâm lý nhược tiểu, rằng chúng ta luôn luôn không bằng thế giới, rằng chúng ta luôn luôn bắt chước thế giới… Xu hướng thời trang thì không thể do anh tạo ra mà do những tên tuổi quốc tế định hướng cho thời trang quốc tế. Trên cơ sở này anh nói gì về thời trang Công Trí và xu hướng thế giới?

Đã nói đến “Đám đông và tâm lý nhược tiểu” thì là đó vấn nạn chung, là chuyện không phải của riêng tôi nên tôi chẳng thể làm gì được cả. Ai chả muốn được bay cao và bay xa, ít ra cũng được vài sự thú vị khi ở trên cao và thay đổi không khí cho những tháng ngày ở dưới đất. Nhưng không bay được thì cứ đi trên mặt đất cho vững rồi cũng cảm thấy nhẹ nhõm thôi. Trên cơ sở này thì thời trang Công Trí và xu hướng thế giới sẽ theo tiêu chí mà mọi người thích nghe “Hòa nhập chứ không hòa tan”.

  • Đã có nhiều lúc, người ta so sánh sáng tạo của anh với Alexander McQueen, Jean Paul Gaultier, Roberto Cavalli… Thậm chí có nhiều chi tiết, nhiều ý tưởng phải nói là rất giống trên con mắt của những người bình thường. Anh nói gì về những sáng tạo của mình trên những nhận xét như thế?

Tôi có thể đưa ra ví dụ để ví von thế này. Khi ta muốn làm cái bánh Pizza thì không thể không dùng bột mì và pho mát, kèm theo các loại gia vị để cho ra cái gọi là bánh Pizza. Tôi không thể dùng nguyên vật liệu bột gạo làm chiếc bánh xèo và rồi gán cho nó cái tên là bánh Pizza được. Còn Pizza loại nào thì tùy theo thành phần của nhân trên mặt bánh. Có những loại bánh Pizza cùng tên gọi nhưng ở những nhà hàng dưới những tay đầu bếp khác nhau thì sẽ có độ hấp dẫn và hương vị khác nhau. Đó cũng chính là sự sáng tạo của các đầu bếp. Sự so sánh và ví von này thật khập khiễng, nhưng nó lại làm tôi thích. Vì dù sao người ta hay dùng ghép hai từ Ăn và Mặc đi đôi với nhau.

  • Việc chắt lọc xu hướng thời trang quốc tế cho người Việt có quan trọng không? Bây giờ khi sáng tạo của anh trực tiếp phải cạnh tranh với các thương hiệu lớn xuất hiện ngay tại thị trường Việt Nam cần phải làm gì?

Theo tôi thấy thì chẳng có tên tuổi quốc tế nào tạo ra được xu hướng thời trang để cho số đông Việt Nam theo cả. Và điều này anh nghĩ có phải là lợi thế cho các nhà thiết kế Việt Nam không? Đây cũng chính là câu hỏi làm chúng tôi trăn trở, vì thật khó mà xóa bỏ phong cách “đồ bộ” của số đông chị em chúng ta. Nên nói về xu hướng thời trang ở VN thì đó là một vấn đề nan giải, vì xu hướng phải mang tính cộng đồng nữa.

Chi tiết tạo nên phong cách cho tôi

  • Tôi cũng chẳng hiểu sự sáng tạo so với quy mô hiện giờ, sức lực anh sẽ cáng đáng được bao lâu. Vì nó thực ra vẫn quá nhỏ, vẫn kinh doanh theo đơn đặt hàng cá nhân và trực tiếp anh phải là người làm việc với khách hàng. Anh có suy nghĩ về điều này một cách nghiêm túc chứ?

Đã kinh doanh thì phải suy nghĩ nghiêm túc chứ, nhất là khi tôi đang làm trên cái mà mình yêu thích. Tùy theo khả năng và trình độ của mỗi người mà lựa chọn những phương án và con đường kinh doanh thích hợp. Như đã nói trên, tôi không bao giờ mặc chiếc áo quá rộng so với mình, nhất là khi tôi chưa đủ “mập”.

  • Hướng đi làm đồ cao cấp như của anh hiện nay, liệu có bó hẹp quy mô kinh doanh và vắt kiệt sức sáng tạo của anh?

Tôi cũng nghĩ sẽ có một ngày mình bị như vậy, nếu tôi không còn đam mê và chút yêu thích nào nữa.

  • Anh có nghĩ về một cách kinh doanh thương hiệu nào đó khác hiện nay, đưa ra những line hàng phổ cập hơn và phổ thông hơn?

Tôi đang thực hiện và đã cho thử nghiệm thương hiệu “KIN Concept for men” cho nam giới trước, sau đó sẽ thêm cho nữ giới. Đây là những line hàng phổ thông như mọi người mong đợi.

  • Tôi nghĩ bài học của anh thì rất nhiều. Anh từng đi vẽ mẫu thuê, làm thuê thiết kế cho thương hiệu nước ngoài… những bài học đó của anh được anh áp dụng chiến lược cho thương hiệu KIN thế nào?

Bài học thì đơn giản lắm, luôn tạo ra cái đẹp mà cần thiết và kích thích sự chiếm hữu sản phẩm của khách hàng. Nhưng làm gì từ bài học đó trong điều kiện của mỗi người mới là cái khó

  • Anh có bao nhiêu trợ lý và bao nhiêu nhà thiết kế cho công ty của mình?

Tôi chỉ có hai trợ lý và hai thiết kế cho công ty của mình.

  • Công Trí sẽ là người quyết định từ giai đoạn nào của dây chuyền sản xuất?

Từ ý tưởng, chọn mẫu và xem sản phẩm khi nó ra đời.

  • Xin tò mò sâu hơn một chút nữa. Tôi thấy anh rất chi tiết trong sản phẩm từ những lô vải cho đến những chiếc cúc áo … Những công đoạn này tại sao lại được anh kỹ lưỡng như vậy và anh phải tìm kiếm vật liệu, đặt hàng ra sao?

Những chi tiết mà anh nói, chính là cái tạo nên phong cách cho tôi, giúp tôi đứng vững trên thị trường. Tôi có thể đặt vải cho riêng mình hoặc nhập vải từ các đầu mối cung cấp vải cao cấp ở nước ngoài. Tôi có thể tự chế biến dựa trên những loại vải truyền thống vốn có để thành chất liệu riêng của mình. Nguyên phụ liệu cũng có thể làm như vậy.

  • Vậy giá trị lớn của mỗi sản phẩm của anh hiện nay, có thể chia bao nhiêu phần trăm cho Giá trị thương hiệu Công Trí, Chi phí vật liệu, Chi phí kinh doanh- quản cáo, và Gia công?

Đó là bí mật để giữ niềm tin nơi khách hàng. Xin lỗi tôi không thể chia sẻ trước cộng đồng được.

  • Bài toán Gia tăng Giá trị thương hiệu,  xem ra khó có thể đi đôi với việc Giảm giá thành sản phẩm nhỉ?

Tôi cũng nghĩ là vậy. Vì bỏ qua yếu tố thương hiệu thì chất lượng đôi khi quyết định giá cả. Và lĩnh vực thời trang thì sự xa xỉ thì vô hạn.

  • Sự thành công nhanh chóng trong vòng 10 năm của anh có thể nói lên điều gì: Anh say mê và dốc lòng cho sáng tạo; Thị trường thời trang còn rất nhiều điều mới mẻ; Hay sự gặp thời của cá nhân anh?

Cả 3 yếu tố trên và thêm vài yếu tố nữa.

  • Anh có phải đánh đổi điều gì cho thành công của riêng mình không?

Tôi đã đánh đổi toàn bộ thời gian của mình.

  • Giờ anh có trong tay cơ đồ. Nếu phải trả hơn cho một hạt thóc khi xưa, anh sẽ đem đến cho người nào?

Nếu tôi là hoa hậu thì tôi sẽ trả lời ngay, tôi biết ơn mẹ tôi. Nhưng tôi chỉ là nhà thiết kế, và tôi cũng thấy mình cũng chưa phải có gì lớn trong tay. Nhưng, cơ đồ lớn hay nhỏ thì cũng không ảnh hưởng đến lý lẽ sống mang ơn và mang nghĩa vốn có trong  tôi.

Ngay tại thời điểm này, hãy nói về những sự mệt mỏi, chán chường, ế tắc, nản chí… mà tôi tin là chắc chắn anh cũng có lúc gặp phải.

  • Cảm ơn anh

Bạch Vân (thực hiện)

Thực hiện hình ảnh: Hà Đỗ

2 thoughts on “Công Trí

  1. BST Xuân/Hè 2010 của LV được lấy lại ý tưởng phom dáng từ những chiếc váy thắt lưng ong của Dior từ năm 1947. Những chiếc váy đầm thắt lưng ong với diềm xếp nếp tạo phùng ở váy xuất hiện lần đầu tiên một cách rầm rộ trong buổi ra mắt BST “Envol” của thương hiệu thời trang danh tiếng Dior năm 1948. Tuy nhiên, những chiếc váy xử lý theo bố cục xếp nếp tạo độ phồng hình tròn cho váy đã xuất hiện từ thập niên 1930s (hình minh họa). Trào lưu này kéo dài đến tận thập niên 1950s và thật sự bùng nổ khi các siêu sao Holywood chọn mặc trong các kỳ lễ trao giải Oscar (hình minh họa).

    Nhìn lại giữa BST Xuân/Hè LV và các thiết kế của Công Trí, ta dễ dàng nhận ra sự trùng lắp trong việc xử lý phom dáng áo, cách cắt cúp ngực, phần xèa váy mà nhất là diềm xếp nếp tạo điểm uyển chuyển giữa ngực và váy áo, độ ngắn váy, chất liệu và ý tưởng là hoàn toàn giống nhau, hoặc có thể nói là Công Trí đã lấy ý tưởng từ BST của LV ở ngay chất liệu và các họa tiết sang trọng được xử lý từ khung vải hoàn toàn giống nhau chỉ khác về màu sắc và hoa văn.

    Điểm đáng lưu ý là những đôi giày cao gót lấp lánh của các người mẫu đang mặc hoàn toàn không phải là trào lưu về giày của những chiếc váy thắt lưng ong của thập niên 40 đến 50. Nhưng ở LV thì rất đúng cách từ kiểu dáng giày đến phom áo.

    Links chứng minh xu hướng:
    http://www.pastreunited.com/id166.html
    http://www.mens-fashion-authority.com/1950s-fashion.html

    AkiQuang

Gửi phản hồi cho akiquang x