“Phê” và “Bình” âm nhạc trên báo chí: Còn hay mất?

Bài phỏng vấn trên báo Công Luận http://congluan.vn/phe-va-binh-am-nhac-tren-bao-chi-con-hay-mat/
(NBCL) Âm nhạc hiện là loại hình nghệ thuật chiếm vị trí thượng phong trong đời sống showbiz Việt. Những bài viết về mảng âm nhạc nhờ vậy cũng chiếm “thị phần” áp đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, những bài viết có chất lượng, xứng đáng là những bài phê bình âm nhạc, đủ thấu đáo và tin cậy trong việc thẩm định tác phẩm và định hướng dư luận lại rất ít ỏi. Nguyên do vì đâu: Vì thiếu nhà phê bình cá tính? Vì các nhà phê bình né tránh? Vì nghề phê bình ở Việt Nam khó tồn tại… Những câu hỏi này đã được chúng tôi đặt ra trong cuộc bàn tròn với nhạc sĩ- nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhà báo Chu Minh Vũ
vũ2

Phê bình âm nhạc trên báo chí: gần như thả rông

Rất nhiều ý kiến cho rằng các nhà phê bình âm nhạc, những người hiểu về âm nhạc đang né tránh “phê” và “bình” trên báo chí. Các anh nhìn nhận như thế nào về thực trạng phê bình âm nhạc hiện nay?

Nguyễn Quang Long: Lẽ ra lý luận phê bình âm nhạc sẽ là một trong những lĩnh vực sôi động nhưng dường như bị bỏ ngỏ, gần như bị thả rông cho những người làm truyền thông và nghệ sĩ thị trường tự tung hoành.

Chu Minh Vũ: Thực trạng, theo tôi là hoàn toàn trống. Công chúng và cả giới âm nhạc đã không còn mặn mà với phê bình. Tạp chí âm nhạc của Hội âm nhạc còn không sống nổi, không đến được với công chúng thì các tạp chí không chuyên ngành sao phải bận tâm đến âm nhạc chuyên sâu. Hơn nữa, đây là thời của báo mạng, tin nhanh & nóng, không có đất cho những bình luận dài và sâu. Mạng xã hội phát triển, chính người đọc lại đang thích làm nhà phê bình. Nhà phê bình xã hội thì quá nhiều, mà nhà phê bình chính thống thì gần như không có.

vũ2
Nhà báo Chu Minh Vũ

Bỏ ngỏ, do chúng ta không có đội ngũ những nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp?

Nguyễn Quang Long: Chúng ta có lực lượng phê bình âm nhạc, không nhiều nhưng đủ cả ở hai đầu Bắc Nam, có trình độ, sự am hiểu về âm nhạc. Kể cả các nhạc sĩ sáng tác cũng có đóng góp bài viết đáng chú ý. Những bài viết của nhạc sĩ Tuấn Khanh, hay gần đây bài viết của nhạc sĩ Trần Minh Phi, họ đưa ra vấn đề, nhìn nhận và giải quyết nó rất thú vị, bổ ích cho người đọc. Cộng thêm các nhà báo chuyên nghiệp theo dõi sát sao mảng âm nhạc, có những bài viết, nhận định rất đúng cho đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, gộp tất cả những lực lượng này vào thì cũng chỉ là muối bỏ bể so với đời sống âm nhạc trên “mặt trận” truyền thông đại chúng thời mạng xã hội hiện nay.

Chu Minh Vũ: Tôi đồng ý với anh Long về sự tồn tại lẻ loi của các anh Tuấn Khanh, Trần Minh Phi. Có thể kể thêm anh Nguyễn Thụy Kha, Quốc Bảo cũng là một cây viết sắc sảo. Họ là những người có chuyên môn âm nhạc khi so với PV văn hoá văn nghệ toàn quốc- hoàn toàn không có kiến thức, không được đào tạo về âm nhạc. PV văn nghệ chỉ có thể đưa tin, khó có thể phê và bình – những sản phẩm âm nhạc. Họ chỉ dừng lại ở mức Khen – Chê chứ không đủ trình độ để Phê – Bình.

Long
nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long. Ảnh: Internet.

Phê bình theo tính giải trí

Không có nhiều những nhà phê bình âm nhạc đích thực, vậy việc định giá trị âm nhạc hiện nay theo anh đang dựa theo những tiêu chí, đối tượng nào, khán giả nào?

Nguyễn Quang Long: Tính giải trí là nổi bật nhất. Ở đó, đề cao tính giật gân, câu view, đôi khi là câu chuyện lãng xẹt, nội dung là chuyện bên lề, đa phần phục vụ cho khán giả trẻ, với một điểm chung là sống với những tiện ích từ công nghệ cao, lướt mạng liên tục.

Chu Minh Vũ: Giá trị âm nhạc thời điểm này theo tôi nên đánh giá từ những gì chúng đem lại; 1- Đóng góp cho sự đi lên của xã hội (Định hướng thẩm mỹ, tuyên truyền), nghệ thuật (sáng tạo, khai phá); 2- Đóng góp cho sự đi lên của âm nhạc (Sáng tạo để phát triển, tạo dựng nền tảng kinh tế cho nghệ sĩ, fan-base)

Đời sống âm nhạc đang rơi vào tay mấy diễn viên hài

Anh Nguyễn Quang Long từng nói rằng đời sống âm nhạc đang rơi vào tay mấy diễn viên hài. Điều gì khiến anh có nhận định khá nặng nề đó?

Nguyễn Quang Long: Đó chỉ là một câu nói vui với bạn bè trong giới nhưng nó cũng phản ánh phần nào đời sống ca nhạc hiện nay. Hiện đang là thời của những chương trình truyền hình thực tế (THTT), chủ yếu thí sinh sẽ tham dự trong lĩnh vực ca hát nhưng giám khảo của các cuộc thi- người định đoạt số phận các giọng ca, hầu hết diễn viên hài. Họ đều là những nghệ sĩ tài năng nhưng thuộc môn nghệ thuật khác chứ không phải âm nhạc.

Nhà báo Chu Minh Vũ nhìn nhận thế nào về điều này?

Vũ
Nhà báo Chu Minh Vũ

Chu Minh Vũ: Đây là cái nhìn của một người coi thế giới chỉ là cái tivi. Thực ra truyền hình không đại diện được cho thị trường âm nhạc!

Nói một cách thẳng thăn, phê bình âm nhạc trên báo chí hiện nay mới chỉ chạm chút khen, chạm chút chê, bài viết đôi khi như kẻ “lắm điều”nói mỗi chỗ một tý…?

Nguyễn Quang Long: Các PV vẫn đang làm đúng với chức năng của mình. Nhiệm vụ của họ chỉ là truyền tải những tin tức, thông tin liên quan đến các hoạt động, các sự kiện liên quan đến lĩnh vực âm nhạc. Và họ đã thực hiện đúng bổn phận. Sự nhìn nhận đánh giá về các sự kiện, hoạt động và quy mô hơn là dòng chảy, hiện tượng xuất hiện trong đời sống âm nhạc là thuộc về các nhà LLPB và các nhà báo kỳ cựu giàu kinh nghiệm, kiến thức cũng như sự hiểu biết trong lĩnh vực này.

Tiếc là số lượng đó ít, “đất” mà các tòa soạn dành cho mảng này cũng không nhiều. Trong khi, giai đoạn bùng nổ của mạng xã hội như hiện nay, việc định hướng dư luận thiên về các chiêu trò, sự kiện mang yếu tố giật gân lại thuộc về những người làm truyền thông. Nhóm những người này làm có mục đích, đó là giúp sức cho một chương trình hay một nghệ sĩ nào đó nhắm thẳng tới sự tò mò của khán giả, tức là đánh trúng tâm lý của khán giả. Nó càng làm cho đời sống âm nhạc đại chúng trở nên “rối” và “ảo” hơn lúc nào hết.

Chu Minh Vũ: Chừng nào các PV có đủ tự trọng và sự say mê thực sự họ sẽ tự thấy có nhu cầu cần phải học về âm nhạc, một cách căn bản nhất để bổ khuyết cho lĩnh vực công tác của họ. 2 năm qua, tại trường âm nhạc của nhạc sĩ Đức Trí, có lớp và mời trực tiếp khá nhiều PV văn nghệ theo học cảm thụ âm nhạc hiện đại. Đây là một tín hiệu đáng mừng và nên làm sớm hơn. Hội nhà báo và Hội âm nhạc, các trường nhạc và các nhạc sĩ có tâm với âm nhạc đâu rôi?

Hãy giao trọng trách và niềm tin cho một nhóm người có khả năng phê bình

Vì sao nhiều nhà phê bình âm nhạc có kiến thức, có khả năng đánh giá chuẩn xác lại không lên tiếng, đứng bên ngoài nhiều hoạt động âm nhạc?

long (4)Nguyễn Quang Long: Phải nói thẳng, người Việt chúng ta là duy tình, sống thiên về tình cảm, thích những lời khen ngợi và dễ tự ái khi đón nhận những sự phê phán. Đó không thể là một mảnh đất màu mỡ cho LLPB nói chung, âm nhạc nói riêng có đất để sinh sôi nảy nở được. Âm nhạc lại còn khó khăn hơn, bởi hiện nay như tôi được biết thì không có một nhà LLPB nào đúng nghĩa sống được bằng nghề này. Chủ yếu là các nhà nghiên cứu lý luận, nhà văn kiêm nhạc sĩ, kiêm nhà báo… và viết các bài LLPB cũng chỉ là một tay ngang. Sự im lặng đôi khi là một giải pháp ngầm ủng hộ cho một nghệ sĩ có đóng góp nhưng vô tình bị một tai nạn như trường hợp hát Quốc ca gần đây của một nghệ sĩ nổi tiếng.

Chu Minh Vũ: Lợi ích nhóm. Hiện tại thị trường âm nhạc đang chia ra thành nhiều miếng bánh nhỏ và tạo ra các nhóm liên kết các ngành nghề, trong đó không thể phủ nhận có cả Truyền thông/báo chí/nghệ sĩ… Nó triệt tiêu sự sòng phẳng trong Phê bình, khen chê, biến sinh hoạt văn nghệ thành một nơi Mua và bán. Một thực tế hiện nay là nếu hoạt động âm nhạc không có tiền để làm truyền thông/ coi như nó đi vào yên lặng chứ đừng nói là Phê bình. Mà người có tiền để làm truyền thông thì không bao giờ muốn bị Phê, đó là điều hiển nhiên. Còn nếu Phê/ không được tiền thì chớ/ lại bị ghét và hất cẳng ra khỏi những hệ sinh thái công việc thì thà không viết còn hơn.

Vậy bao giờ mới thực sự có phê bình âm nhạc đúng nghĩa ?

Nguyễn Quang Long: Điều này chỉ có được khi trong đời sống xã hội của chúng ta chấp nhận văn hóa phản biện như một điều tất yếu của cuộc sống. Mặt khác, chỉ khi người hoạt động lĩnh vực này có thể thực sự sống được bằng nghề, có nhiều đất sống, và các bên liên quan, từ nghệ sĩ đến nhà hoạt động truyền thông cũng như nhà báo, tòa soạn báo không bị liên quan hoặc chi phối bởi những quyền lợi dây chuyền với nhau.

Chu Minh Vũ: Tôi thiết nghĩ hãy giao quyền trượng, trọng trách và niềm tin cho một nhóm người nào đó có khả năng phê bình. Họ có niềm tin và trách nhiệm để lên tiếng. Chứ nếu không chẳng ai làm Don Quixote cả! Hội âm nhạc nên duy trì tờ tạp chí Hội, nhà nước phải bao cấp để duy trì các diễn đàn phê bình nghệ thuật chính thống. Phải tự xây một cái thước đo chuẩn mưc cho nghệ thuật rồi mới tính đến chuyện phê bình được chứ. Muốn lên tiếng, phải có một diễn đàn đủ mạnh, đủ uy tín, đủ sự phản biện văn minh.

Cảm ơn 2 anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này.

Hằng Nga

Bình luận về bài viết này