Dũng Yoko nói về Đỗ Bảo

Đẹp + Đỗ Bảo

Họa sĩ Dũng Yoko

“Rừng Nauy” làm tôi liên tưởng đến… Đỗ Bảo

“Duyên” của Dũng Yoko với Đỗ Bảo cũng bắt đầu từ chính thẩm mỹ riêng của hai người. Dũng mê “Bài hát cho em” của Bảo ngay từ khi Trần Thu Hà hát trên sân khấu. Bảo thích bìa đĩa Lê Hiếu Vol1 và tìm đến gửi gắm “Cánh cung” của mình.


“Thế hệ chúng tôi rất giống với người Nhật của những năm 60, thế hệ của giao thời và bắt đầu mở cửa. Người trẻ tuổi tiếp nhận văn hóa và có những đấu tranh nội tại để tìm kiếm bản chất của chính mình.”

“Duyên” của họa sĩ Dũng Yoko với Đỗ Bảo bắt đầu từ gu thẩm mỹ: Dũng phải lòng “Bài hát cho em” của Bảo ngay từ khi nghe Trần Thu Hà hát trên sân khấu, Bảo thích bìa đĩa Lê Hiếu Vol1 và tìm đến gửi gắm “Cánh cung”, rồi sau này là “Những ô màu khối lập phương” của mình.

“Lần đầu tiên nghe Hà Trần hát “Bài hát cho em”, dù chưa biết về Đỗ Bảo nhưng tôi đã phải lòng ngay ca khúc ấy. Lúc đó, trong dòng chảy dịu dàng đến mức trau chuốt, nuột nà của pop Việt nói chung, ca khúc của Bảo rõ ràng là một sự khác biệt. Từ ngôn ngữ đến âm nhạc, Đỗ Bảo đã thể hiện ngay tâm thế của một chàng trai trẻ rất nhạy cảm với cuộc sống đương thời. Từ ấy cho đến nay đã hơn 10 năm, tôi nghe nhạc Bảo cũng nhiều hơn nhưng vẫn giữ một chân dung về cậu ấy, một chàng trai trẻ mơ mộng, có chút khác người. Chút khác người ấy không làm cho Bảo bị lạc hậu mà vẫn rất cập nhật, nhưng không chạy theo người khác.

Thế hệ của chúng tôi, những người như Đỗ Bảo, Trần Thu Hà… có nhiều đồng cảm với nhau. Đó là thế hệ giao thời, không có nhiều điều kiện về vật chất và bắt đầu được tiếp nhận văn hóa bên ngoài. Chúng tôi không có nhiều điều kiện và thời gian để kịp bắt nét với cuộc sống. Nói riêng trong âm nhạc, khá nhiều người cùng thế hệ chúng tôi vẫn có thẩm mỹ già nua, hoài cổ. Nhưng một số ít, trong đó có Đỗ Bảo, lại có cái nhìn đương đại hơn,không quá trẻ nhưng không hoài vọng. Cái nhìn của Bảo luôn hướng về phía trước. Từ bài hát đầu tiên của Bảo, có thể nhận ra ngay tác giả là một cậu thanh niên trẻ thành thị. Sự chênh vênh trong từng giai điệu mà Bảo tạo ra nghe rất thích. Nó thể hiện sự trăn trở của rất nhiều người trong thế hệ chúng tôi. Tôi cho rằng, chính vì yếu tố đó mà nhạc của Bảo ra đời đã đáp ứng được một phần nhu cầu được chia sẻ của những thanh niên đô thị, muốn nghĩ và làm khác mọi người và luôn hướng về phía trước.

Trần Thu Hà hát nhạc Đỗ Bảo hay nhất theo tôi cũng chính bởi Hà là người cùng thế hệ, nội tâm của cô ấy rất gần với Đỗ Bảo. Nhạc của Bảo khó hát, đòi hỏi những giọng hát đẹp và có kỹ thuật. Nhưng nếu để thăng hoa, còn cần thêm một tâm hồn nhạy cảm, pha trộn một chút yếu đuối và một chút gai góc. Bởi nhạc của Bảo không thể hát hời hợt được, không thể cứ có bài hát tốt, giọng hát hay là có thể thành công. Chính vậy mà Nguyên Thảo, người hát nhạc Đỗ Bảo sau này, là người mà tôi cũng rất thích.

Gần đây, khi xem phim “Rừng Na Uy”, không hiểu sao tôi cứ liên tưởng đến Đỗ Bảo. Thế hệ chúng tôi rất giống với người Nhật những năm 60, thế hệ của giao thời và bắt đầu mở cửa. Người trẻ tuổi tiếp nhận văn hóa và có những đấu tranh nội tại để tìm kiếm bản chất của chính mình. Lãng mạn và sống nội tâm. Nghe nhạc của Bảo là có thể nhận ra ngay, con người không thể nói dối được bằng sản phẩm, người sao thì sản phẩm vậy. Bảo bay bổng, lãng mạn nhưng rất có chiều sâu chứ không bị nhố nhăng như nhiều sản phẩm đại chúng khác. Còn tiếp xúc rồi, sẽ thấy cậu ấy rất tinh tế, nhạy cảm và cầu toàn.

Một lý do nữa khiến tôi nhớ đến Bảo khi xem “Rừng Na Uy” có lẽ còn vì Bảo sống và làm việc khá lặng lẽ, riêng biệt trong dòng chảy chung của đời sống văn nghệ Hà Nội. Tôi rất tôn trọng những người nghệ sĩ như vậy, vì tôi biết chắc họ sẽ không đi theo số đông và để mình bị cuốn vào trào lưu của xã hội. Khi làm nghệ thuật, họ luôn muốn lạ và làm khác. Bảo khôngảphải làotuýp người quái, cá tính mạnh.

Nhưng thẳm sâu, anh ấy là dạng người nhạy cảm, duy mĩ. Làm nghệ thuật là phải có tư duy độc lập như thế thì mới có sản phẩm khác biệt được. Thật ra, nhạc của Bảo có nhiều bài mà công chúng yêu thích nhưng tôi lại không. Tôi thích những “Bài hát cho em”, “Bài ca tháng sau” hay “Thời gian để yêu”… hơn. Có thể nó hơi khó nghe, nhưng đó mới đúng là con người thật của Đỗ Bảo, một sự nhẹ nhàng nhưng vẫn chệch và lạ một cách chơi vơi. Tôi không mấy thích “Những ô màu khối lập phương” là vì thế. Bởi theo tôi, đó chưa phải là con người thật của Bảo. Bảo phải tinh tế nhưng không nhẹ nhàng, không hoàn toàn gai góc nhưng cũng chẳng yếu đuối.

Lẽ dĩ nhiên tôi hiểu với “ô màu” này, có thể anh ấy đang tìm một chân dung khác lạ đi nhưng tôi vẫn kỳ vọng cái chất riêng có ở Đỗ Bảo vẫn phải được tiếp tục giữ lại bằng chính sự nhạy cảm bên trong con người Bảo. Người nghệ sĩ có thể đi nhiều con đường, nhưng rõ ràng con đường hay nhất vẫn là con đường gần với con người thật của anh ta nhất”.

Hoàng Trung (thực hiện)

Đọc thêm ở đây

Phỏng vấn Đỗ Bảo https://chuminhvu.wordpress.com/2011/02/22/do-bao-2/

Dũng Yoko nói về Đỗ Bảo: https://chuminhvu.wordpress.com/2011/02/22/dung-yoko/

Tấn Minh nói về Đỗ Bảo: https://chuminhvu.wordpress.com/2011/02/22/tan-minh/

2 thoughts on “Dũng Yoko nói về Đỗ Bảo

Bình luận về bài viết này